Ngày về của “Đệ nhất ảo thuật gia” Ảo
thuật gia Tony Quang bên tiết mục cưa người mới lạ.Sân khấu với ánh
sáng, âm thanh và khán giả từ lâu đã quá quen với ông nhưng lần này,
ông vẫn không thể dằn nén được xúc động, hồi hộp trước đêm diễn lớn
nhất đời mình...
Nửa thế kỷ Tony Quang đứng trên sân khấu ảo thuật chuyên nghiệp cũng là
ngần ấy thời gian ông làm nức lòng bao trái tim mộ điệu trong và ngoài
nước. Tuy nhiên, mãi đến khi vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, Tony
Quang mới có show diễn của riêng mình. “Đây là live show ảo thuật đầu
tiên ở Việt Nam. Tôi muốn cống hiến hết thảy những điều huyền bí, hoành
tráng nhất cho khán giả” - ông bắt đầu câu chuyện với Pháp Luật TP.HCM. Nửa thế kỷ thăng trầm với nghiệp diễn . Thưa ông, liệu có mạo hiểm khi ông đầu tư cho live show ảo thuật đầu tiên ở Việt Nam?+ Tôi đã mất nửa thế kỷ tìm tòi, học hỏi, biểu diễn... Vì thế đêm diễn
của riêng mình phục vụ khán giả là ước mơ đau đáu trong tôi từ rất lâu.
.
Tên tuổi ảo thuật gia Tony Quang đã từng
nổi như cồn trước năm 1975 ở khắp Việt Nam và năm châu. Vì sao vài chục
năm gần đây, người xem ít thấy ông xuất hiện? + Ở trong nước, sân khấu ảo thuật đúng nghĩa hầu như không có. Phần lớn
các ảo thuật gia chỉ tham gia vào các chương trình nhạc hội, tạp kỹ với
vài tiết mục góp vui mà thôi. Đã có một thời người ta coi ảo thuật là
“sơn đông mãi võ”, là “con ghẻ” của ngành sân khấu. Loại hình nghệ
thuật huyền bí này bị chìm vào lãng quên.
.
Nói vậy tức là thời của ông, ảo thuật Việt Nam là sôi động nhất? + Có thể nói như vậy. Thời của tôi, cách đây nửa thế kỷ cũng là thời
của các bậc thầy về ảo thuật trong và ngoài nước hội tụ. Báo chí thời
đó cũng suy tôn tôi là ông thần bồ câu. Đó là chưa kể ảo thuật Việt Nam
còn có những tên tuổi lớn như cụ Đinh Văn Quý, Trường Giang, Văn
Phát... Thế hệ trẻ sau này thì có thêm Vũ An, Trần Định, K’Tay, Ngọc
Trâm,...
Năm 1968 và trước đó nữa, tôi luôn chật kín các show diễn khắp miền
Nam, miền Bắc và Campuchia, Lào, Thái Lan... Vậy mà có thời kỳ tôi ít
có đất diễn trong nước, nguyên nhân là tiết mục tôi toàn tiết mục sân
khấu, đầu tư lớn nhưng thù lao ít và nơi diễn lại không có. Đành chịu!
.
Nhưng ở nước ngoài thì Tony Quang lại làm
đắm say hàng triệu con tim. ông nhận xét thế nào về ảo thuật ở nước
ngoài so với trong nước? + Ở Mỹ và các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Anh..., người ta coi ảo thuật
là nghệ thuật cao nhất của nghệ thuật. Người ta có những sân khấu
chuyên dụng cho ảo thuật và những ảo thuật gia có thể sống rất tốt với
nghề. Họ trao đổi kinh nghiệm, cách diễn với nhau rất vô tư chứ không
“giấu nghề” như giới ảo thuật trong nước. Chính vì điều này mà tài
nguyên ảo thuật vô cùng phong phú của chúng ta dần mai một. Trong
nghiệp diễn thăng lắm mà trầm cũng nhiều của mình, tôi hạnh phúc khi
nghe giới thiệu Tony Quang thì khán giả xem rất chăm chú và thích thú.
Ông “vua trò lớn” . Giới ảo thuật trên toàn thế giới gọi ông là
“vua trò lớn” và luôn dành cho ông sự kính trọng. “Thương hiệu” này bắt
đầu như thế nào? + Từ cách đây vài chục năm. Hồi đó, tôi cũng diễn trò nhỏ như biến đồng
hồ quả quýt. Ông thầy tôi chỉ dạy làm xuất hiện vài chiếc đồng hồ, tôi
cải tiến làm ra vài chục cái và đặc biệt hơn là tôi làm biến ra hai cái
đồng hồ to như mặt đồng hồ treo tường bây giờ.
Với những thành công nhất định đó, tôi tìm cách diễn trò lớn và nghiên
cứu đạo cụ. Đến nay, tôi đã có trọn bộ đồ diễn hoành tráng với cưa
người, chặt đầu, đi xuyên tường, bay người trên không trung...
. Một trong những trò lớn mà 50 năm qua khán giả
biết đến Tony Quang là sở trường với những tiết mục màn đen bí ẩn. Đêm
live show ông vẫn sẽ tiếp tục với màn đen? + Màn đen đúng là huyễn hoặc và thu hút. Không có gì tuyệt vời hơn khi
cô gái nằm ngủ trên một mũi kiếm rồi lơ lửng trong không gian, hay
chàng trai ngồi thiền rồi từ từ bay lên dưới sự điều khiển của tôi. Tuy
nhiên, trong đêm diễn này tôi sẽ không diễn nó. Tôi sẽ biểu diễn những
tiết mục có một không hai trên thế giới như cưa người, người bay, cây
chổi thần kỳ... Ai cũng đã từng xem tiết mục cưa người của các ảo thuật
gia nổi tiếng thế giới nhưng tôi sẽ cưa người không giống họ. Khi hai
chiếc lưỡi cưa xé đôi thùng gỗ, cô gái bị cưa đứt làm hai nửa, gục đầu
xuống, lúc đó tôi sẽ xoay thùng ra cho người xem thấy... rùng rợn.
Những tiết mục chưa đâu có . Ông có thể bật mí chút xíu về những tiết mục lần đầu tiên ông diễn ở Việt Nam? + Chiếc máy tôi sẽ biểu diễn trong live show là do tôi nghĩ và chế tác
ra. Máy nặng hơn 200 kg, cao 2 m, dài 6 m. Hai lưỡi cưa sắc lẹm với hai
đầu cắt đi gần nhau chứ không như nước ngoài chỉ có một lưỡi. Ở nước
ngoài, nhân vật bị cắt sẽ có những lối riêng mà luồn ra khỏi máy, còn
với tôi, người bị cắt vẫn nằm yên. Vì vậy khi cưa người, khán giả sẽ
tăng sự rùng rợn... Ý, mà bật mí nhiều rồi, còn để khán giả xem nữa
chứ! (Cười).
. Tổ chức live show đầu tiên về ảo thuật chắc ông gặp không ít khó khăn? Cảm giác của ông lúc này thế nào? + Còn nhiều khó khăn trước đêm diễn nhưng về cơ bản thì đến lúc này mọi
thứ đã ổn. Tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người thân, khán
giả, bạn bè đồng nghiệp... để có được đêm diễn này. Sân khấu với ánh
sáng, âm thanh và khán giả từ lâu đã quá quen với tôi nhưng lần này tôi
vẫn không thể nào dằn nén được những xúc động, hồi hộp trước đêm diễn
lớn nhất đời mình...
. Xin cảm ơn và chúc ông có một đêm diễn thành công!
ATG TonyQuang và tiết mục cưa người
Ảo thuật gia Văn Phát:
Tony Quang xứng danh “Đệ nhất ảo thuật gia Việt Nam”
Tony Quang là bậc thầy về ảo thuật sân khấu. Tôi quý anh và coi anh là
người anh, người thầy trong nghề nghiệp của mình. Từ những năm 60 của
thế kỷ trước, anh đã vang danh ở mọi miền. Được trở thành đồng nghiệp
với anh, làm bạn của anh, thế hệ ảo thuật gia chúng tôi học hỏi được
nhiều điều từ nhân cách, tài năng và cái duyên sân khấu của anh - cái
duyên ấy là cả một quá trình khổ luyện, **** mò, luôn muốn làm mới
mình. Tony Quang xứng danh là “Đệ nhất ảo thuật gia Việt Nam”. Tony Quang tên thật là Huỳnh Hữu Quang, sinh năm 1935 tại Tân An
(Long An). 10 tuổi, Quang được một người anh đưa sang Pháp học nhưng
học chữ thì ít mà mê Tony Jaccoulott biểu diễn ảo thuật thì nhiều nên
bị ông anh “trục xuất” trả về quê nhà. Tony Quang với David Copperfield.
Năm 1954, Quang chính thức biểu diễn trên sân khấu với nghệ danh
Tony Quang (đặt theo tên thần tượng Tony Jaccoulott) và ngày 26-4-1969
tại rạp Quốc Thanh, lần đầu tiên ở Việt Nam có một tiết mục ảo thuật
lớn phân mình cô gái làm ba khúc do Tony Quang thực hiện.
Tháng 4-2000, với thâm niên 40 năm trong nghề, Tony Quang được tổ chức
IBM (International Brotherhood of Magicians) tại New York (Hoa Kỳ) kết
nạp làm thành viên chính thức. Như vậy, ông là người Việt Nam đầu tiên
là thành viên của IBM.
Live show ảo thuật đầu tiên ở Việt Nam của “Đệ nhất ảo thuật gia” Tony
Quang sẽ diễn ra vào đêm 9-1, đúng sinh nhật ông, tại sân khấu 126 Cách
Mạng Tháng Tám, TP.HCM. Tham dự chương trình còn có các ảo thuật gia
lừng danh của Việt Nam như Trần Định, K’Tây, Vũ An, Hoàng Minh...